Liên kết chuẩn thiết bị pha loãng khí chuẩn với Hàn Quốc
26/12/2018 19:48:54
Theo yêu cầu của ISO/IEC 17025:2005 thì tất cả các thiết bị hiệu chuẩn có ảnh hưởng đến kết quả đo/hiệu chuẩn phải được liên kết chuẩn tới chuẩn quốc gia hoặc quốc tế với độ không đảm bảo đo phù hợp.

Căn cứ Quyết định số 188/QĐ-TCMT ngày 23 tháng 3 năm 2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Quan trắc môi trường. Theo đó, Trung tâm là đơn vị chỉ huy, điều hành mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và đầu mối thực hiện kiểm định –hiệu chuẩn thiết bị quan trắc môi trường. Đến nay, Trung tâm đang duy trì, áp dụng và đã được công nhận phù hợp theo hệ thống quản lý chất lượng ISO/IEC 17025:2005 với số hiệu VILAS 575 về lĩnh vực đo lường - hiệu chuẩn cho các thiết bị quan trắc khí và quan trắc nước.

          Bên cạnh đó, Trung tâm Quan trắc môi trường cũng đã được đầu tư rất nhiều thiết bị hiện đại và tiên tiến để thực hiện hoạt động kiểm định - hiệu chuẩn thiết bị quan trắc môi trường. Trong đó, có các thiết bị như APMC 370 có khả năng pha loãng khí chuẩn và tạo ra khí Ozon để hiệu chuẩn các thiết bị đo khí tự động, liên tục và thiết bị GSTU-VN 01 dùng để hiệu chuẩn các thiết bị đo khí cầm tay. Nhằm đảm bảo chất lượng của thiết bị chuẩn thì 02 thiết bị nói trên cần phải được định kỳ kiểm tra và liên kết chuẩn tới cấp cao hơn .

          Theo định nghĩa của ISO/IEC GUIDE 99:2007 [2] thì liên kết chuẩn đo lường là tính chất của kết quả đo hoặc giá trị của một chuẩn mà nhờ đó có thể liên hệ tới những chuẩn đã định, thường là chuẩn quốc gia hoặc chuẩn quốc tế, thông qua một chuỗi so sánh không gián đoạn với những độ không đảm bảo đo đã định.Mục đích yêu cầu của tính liên kết chuẩn nhằm đảm bảo các phép đo thể hiện được giá trị của đại lượng đo một cách chính xác.

          Mặt khác, theo Văn phòng Công nhận Chất lượng [3] thì chính sách về liên kết chuẩn đo lường (APL 02)yêu cầu tất cả các thiết bị đo, thử và các thiết bị hiệu chuẩn có ảnh hưởng đáng kể đến các kết quả thử nghiệm và hiệu chuẩn (bao gồm cả thiết bị theo dõi điều kiện môi trường) phải được liên kết tới hệ đơn vị đo lường quốc tế (SI) thông qua các chuẩn quốc gia và quốc tế với độ không đảm bảo đo phù hợp. Ðể đảm bảo chính sách này được duy trì, cơ quan công nhận yêu cầu tất cả các phép hiệu chuẩn và kiểm định thiết bị đo và thử nghiệm phải được thực hiện bởi [4]:

+ Một phòng hiệu chuẩn đã được công nhận theo ISO/IEC 17025 bởi một cơ quan công nhận đã được thừa nhận lẫn nhau;

+ Một Viện đo lường quốc gia (NMI) đã được thừa nhận, nghĩa là NMI đã ký tham gia thỏa ước thừa nhận lần nhau của Ủy ban cân đo quốc tế (CIPM-MRA);

+ Một phòng hiệu chuẩn được công nhận theo ISO/IEC 17025 bởi tổ chức công nhận nước sở tại đã được thừa nhận, nghĩa là tổ chức công nhận đã ký tham gia thỏa ước thừa nhận lẫn nhau của tổ chức công nhận các phòng thử nghiệm quốc tế (ILAC-MRA) thông qua các tổ chức công nhận khu vực;

+ Một phòng thí nghiệm đáp ứng yêu cầu về hiệu chuẩn nội bộ của tổ chức công nhận nước sở tại đã được thừa nhận lẫn nhau;

+ Một tổ chức đo lường có thẩm quyền thực hiện dịch vụ hiệu chuẩn.

          Tuy nhiên,ở Việt Nam chưa có đơn vị nào đủ năng lực để liên kết chuẩn 02 thiết bị này cho nên cần phải gửi ra nước ngoài để thực hiện liên kết chuẩn. Trong khu vực châu Á có nhiều đơn vị hiệu chuẩn thiết bị. Tại Hàn Quốc, Phòng Thanh tra và Kiểm tra thiết bị quan trắc môi trường (KOLAS 074) thuộc Cơ quan Môi trường Hàn Quốc (KECO) đã được KOLAS, ILAC chứng nhận là cơ quan hiệu chuẩn quốc tế (ISO 17025, ISO9002), có đủ năng lực kỹ thuật và hệ thống thí nghiệm chất lượng để thực hiện các hoạt động: kiểm tra và hiệu chuẩn thiết bị quan trắc môi trường, kiểm định khí tiêu chuẩn dùng cho hiệu chuẩn, hỗ trợ kỹ thuật và chỉ đạo về thiết bị quan trắc môi trường, duy trì và quản lý hệ thống tiêu chuẩn các thiết bị quan trắc môi trường, thí nghiệm và phát triển nghiên cứu thiết bị quan trắc môi trường. Qua đó cho thấy đơn vị này hoàn toàn có đủ điều kiện để thực hiện liên kết chuẩn cho các thiết bị nói trên.

          Sau một thời gian liên hệ và hoàn tất các thủ tục liên quan, ngày 17/7/2013 Trung tâm Quan trắc môi trường đã gửi 02 thiết bị pha loãng khí chuẩn (APMC 370 và GSTU-VN01) tới Cơ quan Môi trường Hàn Quốc để thực hiện liên kết chuẩn với các đặc tính kỹ thuật như:

Thiết bị

Đặc tính kỹ thuật

APMC370

-  Tỉ lệ pha loãng:  1/10 ~ 1/1000

-  Độ chính xác của MFC:  ± 0,5% giá trị thực và ± 0,1% toàn dải

-  Độ tái lặp của MFC: 0,1% giá trị đọc

-  Độ lặp lại của MFC: 0,2% giá trị đọc

-  Độ tuyến tính MFC:   ± 0,1% toàn dải

-  Độ chính xác của khí chuẩn sinh ra:±1%

GSTU-VN01

-  Tỉ lệ pha loãng:  1/1 ~ 1/1000

-  Dải lưu lượng: 2 ~ 100 toàn dải đo

-  Đáp ứng: 1 giây

-  Độ tuyến tính: ± 0,5 toàn dải đo

-  Độ lặp lại: ± 0,2 toàn dải đo

-  Độ chính xác của khí chuẩn sinh ra: ±1%

Ngày 15 tháng 08 năm 2013, các thiết bị pha loãng đã được gửi từ Hàn Quốc về Trung tâm Quan trắc môi trường với số lượng đầy đủ. Các thiết bị đã được gián tem hiệu chuẩn của KOLAS 074 và có giấy chứng nhận hiệu chuẩn đi kèm. Hiệu chuẩn thiết bị là hoạt động, kỹ thuật cần thiết của mọi đơn vị thực hiện quan trắc, nghiên cứu để biết được tình trạng của phương tiện đo trong quá trình sử dụng, bảo quản chúng, từ đó có biện pháp xử lý, hiệu chỉnh kịp thời phù hợp với mục tiêu sử dụng của mình.

Như vậy, thiết bị pha loãng khí chuẩn đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động hiệu chuẩn thiết bị quan trắc không khí hiện nay. Thiết bị này có thể pha loãng các khí có nồng độ cao thành nồng độ thấp theo mong muốn và giảm chi phí hiệu chuẩn do không phải sử dụng khí chuẩn trực tiếp rất tốn kém. Các thiết bị pha loãng khí chuẩn được liên kết chuẩn sẽ đáp ứng được yêu cầu của ISO/IEC 17025 cũng như góp phần đảm bảo độ chính xác, tin cậy cho quá trình hiệu chuẩn thiết bị quan trắc không khí.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.         ISO/IEC 17025 : 2005 (2005), "Yêu cầu chung về năng lực của phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn ", 55 trang, Hà Nội.

2.         ISO/IEC Guide 99:2007 TCVN 6165:2009 (2009), "Từ vựng quốc tế về đo lường học - khái niệm, thuật ngữ chung và cơ bản (VIM)", 53 trang, Hà Nội.

3.         Văn phòng Công nhận Chất lượng (2008), "APL 02 - Chính sách về liên kết chuẩn đo lường", 12 trang, Hà Nội.

4.         ILAC P10:01/2013 (2013), "ILAC Policy on Traceability of Measurement Results", 10 trang, Australia.

 

Từ Khóa:  

 

TIN LIÊN QUAN

Liên kết